Bàn giao 3.985 máy tính sử dụng tại 601 điểm truy cập internet công cộng
Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam" do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ là dự án lớn nhất mà Việt Nam thụ hưởng trong chương trình "Thư viện toàn cầu", được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT, Bộ VH-DL&TT triển khai trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian năm năm (2011-2016).
Ký kết bàn giao thiết bị cho đại diện 12 tỉnh thuộc dự án trong giai đoạn II.
Tại buổi lễ, Ban Quản lý dự án đã bàn giao 3.985 bộ máy tính có kết nối internet cho 601 điểm truy cập internet công cộng trong khuôn khổ giai đoạn II, bước ba - bước cuối cùng dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” tại 12 tỉnh, bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Theo đó, thư viện cấp tỉnh được trang bị 40 bộ/điểm, thư viện huyện, thị xã được trang bị 10 bộ/điểm, thư viện xã và điểm Bưu điện văn hóa xã được trang bị năm bộ/điểm. Các điểm này còn được trang bị thêm máy in, tai nghe, các thiết bị phụ trợ khác. Đồng thời, Ban Quản lý dự án cùng 50 lớp đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ chuyên môn, cũng như hơn hai nghìn sự kiện truyền thông được tổ chức.
Thừa Thiên-Huế là một trong 12 tỉnh (bước ba của dự án) được hưởng lợi từ dự án này với 280 máy tính và 41 máy in được lắp đặt tại 41 điểm, gồm: thư viện Tổng hợp tỉnh; tám thư viện huyện, thị xã; 11 thư viện xã, phường, thị trấn và 21 điểm Bưu điện văn hóa xã.
Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết, đây là giai đoạn cuối của dự án nói trên "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam". Tính đến thời điểm này, dự án đã cung cấp 12.670 máy tính nối mạng internet băng thông rộng và các thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm thư viện công cộng và Bưu điện văn hóa xã, nâng tỷ lệ máy tính tại các điểm công cộng ở nông thôn tăng 96,7%.
Thông qua dự án, người dân nghèo và sống ở vùng khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả công nghệ thông tin, được hưởng lợi những lợi ích kinh tế - xã hội từ công nghệ thông tin đem lại. Qua đó, cải thiện cuộc sống cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội; đồng thời góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới, từng bước hình thành công dân điện tử, chính quyền điện tử và xây dựng xã hội học tập.