Gia tăng giá trị thông qua sàn giao dịch công nghệ
Hiện nay, hầu hết các SGD CN tại Việt Nam hoạt động với tư cách là đơn vị sự nghiệp KH và CN thuộc Sở KH và CN, được bảo đảm kinh phí ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên. Các SGD CN đang có xu hướng triển khai theo phương thức SGD thật, chủ yếu trưng bày, giới thiệu các thiết bị, sản phẩm công nghệ của các công ty trong và ngoài nước, SGD ảo sẽ giới thiệu qua mạng trực tuyến. Trong hai năm vừa qua, công tác tư vấn, kết nối cung cầu, môi giới chuyển giao công nghệ tại các SGD CN vẫn còn sơ khai, chưa hình thành được mạng lưới, hệ thống. Do đó, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ trên tại các SGD CN vẫn còn ít, chưa thật sự chứng minh được vai trò để thu hút doanh nghiệp. Trong công tác thông tin công nghệ, các SGD CN mới bước đầu hình thành mối liên kết, hợp tác chia sẻ thông tin, thu hút được doanh nghiệp. Theo số liệu từ Cục Thông tin KH và CN Quốc gia, số đơn vị tham gia đăng ký tại các SGD CN Bắc Giang, TP Hải Phòng, Nghệ An, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong năm 2014 đã tăng gần 1,5 lần so với năm 2013. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu và quảng bá công nghệ, sản phẩm, thu hút được sự quan tâm của các đối tác.
Qua đó, đã có nhiều cuộc kết nối, yêu cầu tìm kiếm công nghệ diễn ra, nhiều giao dịch mua bán, trao đổi thành công với giá trị cao. Tuy nhiên, hoạt động tổ chức sự kiện KH và CN được các SGD CN phối hợp với các đơn vị tổ chức, trưng bày, giới thiệu, trình diễn công nghệ đã có những thành công nhất định trong năm 2013 lại có xu hướng giảm trong năm 2014.
Đồng thời giá trị mua bán, chuyển giao thiết bị công nghệ, quy trình công nghệ cũng có xu hướng thấp hơn năm trước. Theo Phó Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH và CN Phạm Đức Nghiệm, hiện nay doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm việc tìm kiếm, mua bán công nghệ, thiết bị, sản phẩm. Các SGD CN cũng đã bước đầu hoạt động có hiệu quả, tích cực trong việc cung cấp thông tin chuẩn xác đến với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý điều hành và vận hành các SGD CN chưa thống nhất, chuẩn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ thực hiện tư vấn, môi giới và chuyển giao công nghệ chưa được đào tạo chuyên nghiệp; kinh nghiệm và trình độ chuyên môn yếu, do đó chưa giới thiệu được công nghệ phù hợp với doanh nghiệp. Ngay tại các doanh nghiệp, hoạt động đổi mới chuyển giao công nghệ còn mang tính tự phát, bên cạnh đó lại thiếu nguồn nhân lực, vốn, cho nên cũng khá thận trọng đầu tư phát triển KH và CN trong sản xuất. Điều quan trọng là vẫn chưa hình thành được "thị trường công nghệ" tại các địa phương, do đó số lượng giao dịch còn hạn chế, chủ yếu là chào bán, tốc độ phát triển còn chậm và thị trường công nghệ đến nay vẫn nhỏ bé.
Một trong những yêu cầu cấp thiết từ doanh nghiệp đối với hoạt động của SGD CN là phải phát huy vai trò xây dựng mô hình "đầu ra" cho các sản phẩm, công nghệ và thúc đẩy việc đầu tư sáng chế, công nghệ mới tại Việt Nam. Qua đánh giá của Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành cho thấy, thương mại hóa sáng chế để thúc đẩy "đầu ra" sẽ là chìa khóa quan trọng tạo ra hiệu quả mới, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Bằng hoạt động của SGD CN Sáng Tạo Việt, Công ty Trường Thành đang hướng tới mô hình thương mại hóa sáng chế hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, để triển khai thành công, các doanh nghiệp, SGD CN vẫn cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế để thực hiện chuyển giao công nghệ. Nhanh chóng thành lập quy định khung về cơ chế hoạt động, tài chính, chia sẻ và bảo mật thông tin công nghệ và chuyển giao công nghệ để áp dụng trong cả nước. Bên cạnh đó, các SGD CN cần đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ vận hành các SGD CN, đáp ứng nhu cầu chuyên môn về thương mại, kỹ thuật, pháp lý... Tăng cường các hoạt động trao đổi, nghiên cứu và kết nối giữa các SGD CN trong và ngoài nước. Đồng thời, cần hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ và xem đây là một bộ phận không thể tách rời của các SGD CN.
Để thu hút doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm, công nghệ thông qua SGD CN, Bộ KH và CN và các cơ quan chức năng liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản, quy định hoạt động của các SGD CN. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực tài chính để thực hiện nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới. Có như vậy thì các hoạt động thông qua SGD CN sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên hiệu quả đột phá và bền vững, thúc đẩy ứng dụng thương mại hóa sáng chế vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.