Chủ tịch ECB Christine Lagard. (Ảnh: Reuters) |
Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp và thứ 4 của ECB kể từ khi cơ quan này khởi động chu kỳ nới lỏng vào tháng 6 năm nay.
Với sự điều chỉnh này, lãi suất tiền gửi, hoạt động tái cấp vốn chính và biên độ lãi suất cho vay của ECB hiện được ấn định ở mức lần lượt là 3%, 3,15% và 3,4%.
Lý giải cho quyết định cắt giảm lãi suất, ECB cho biết: "Xu hướng giảm phát trong khu vực vẫn được duy trì", bất chấp thực tế tốc độ gia tăng giá cả mạnh lên trong một vài tháng gần đây.
Trước đó, ECB đã giảm dự báo lạm phát trong năm 2024 xuống còn 2,4% và năm 2025 là 2,1%. Những dấu hiệu gần đây cho thấy, lạm phát hiện đang trên đà giảm mạnh hơn đã củng cố niềm tin của các nhà hoạch định chính sách trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất. Hội đồng thống đốc ECB do Chủ tịch Christine Lagarde đứng đầu, đã phải cân bằng giữa những lo ngại về triển vọng tăng trưởng với việc đảm bảo rằng lạm phát đạt và duy trì ở mức mục tiêu 2% do ngân hàng ECB đặt ra.
Ngoài ra, quyết định cắt giảm lãi suất còn nhằm hỗ trợ tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế khu vực chưa thể bứt phá sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Trong tuyên bố cùng ngày, ECB nhấn mạnh, cơ quan này đang nhanh chóng nới lỏng chính sách tài khóa trong năm nay do lo ngại về lạm phát dường như đã hết và giờ là lúc thảo luận xem làm thế nào để tính toán tiến trình giảm lãi suất đủ nhanh để hỗ trợ nền kinh tế trì trệ vốn đang tụt hậu so với các đối tác toàn cầu.
Chủ tịch ECB Christine Lagard cho biết, do lo ngại về tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, một số thành viên thiết lập lãi suất đã đề xuất mức giảm 0,5%, nhưng cuối cùng tất cả các thành viên đã nhất trí với mức giảm 0,25%.
ECB bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 để thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Sự dịch chuyển theo chiều hướng mềm mỏng của ECB diễn ra trong bối cảnh Đức – động lực tăng trưởng chính của châu Âu đang phải đương đầu với tốc độ tăng trưởng yếu và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu mới sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Trước tình hình kinh tế còn nhiều bất định, ECB đang thận trọng với lộ trình điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới. Ngân hàng trung ương này cho biết sẽ dựa vào dữ liệu kinh tế mới nhất để đưa ra quyết định tại từng cuộc họp, thay vì đưa ra cam kết cụ thể về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai./.